Có nên cho con học trước các kiến thức lớp 1 trước khi chuyển cấp?

27/02/2023

“Sợ con không theo kịp bạn bè” là tâm lý chung của rất nhiều bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1. Không ít cha mẹ có định hướng dạy con, cho con học trước kiến thức lớp 1 trước khi chuyển cấp. Vậy đây có phải là giải pháp hữu hiệu và phù hợp dành cho con?

Tâm lý của phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1:

Có hai luồng ý kiến trái chiều. Một số phụ huynh có tâm lý con cần học trước kiến thức lớp 1 vì sợ không theo kịp bạn bè, muốn con học trước để vượt trội hơn so với các bạn, để nổi bật ngay từ khi vừa bước chân vào ngôi trường tiểu học. Do đó, con trẻ bị nhồi nhét học tập quá nhiều, “bội thực” kĩ năng với lịch học dày đặc, thậm chí căng thẳng, áp lực. 

Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ khác lại cho rằng không nên cho con học trước kiến thức lớp 1, vì như vậy là đánh mất đi tuổi thơ của con, cứ để con thoải mái vui chơi, không muốn con “bị chín ép”, việc học là để giáo viên lo, phụ huynh không nên lo lắng thái quá. Kết quả là các con khi vào lớp 1, bị “ngợp” trước sự thay đổi của môi trường giáo dục ở tiểu học khác hoàn toàn so với mầm non. Con khó để thích nghi, tiếp thu có phần chậm hơn các bạn trong lớp, dễ làm con chán học, lười học. Điều này khiến phụ huynh một lần nữa đau đầu, vật lộn tìm cách dạy con, để con chăm học hơn vì vậy mà đôi khi vô tình cáu gắt, quát mắng con. 

Vậy làm thế nào để con thoải mái, tự tin khi bước vào lớp 1?

Các con được trang bị kiến thức lớp 1 trước khi chuyển cấp là điều mà nhiều bậc cha mẹ hướng đến. Tuy nhiên, nhiều bạn khi đã thông thạo chữ viết, ghép vần, tính toán… thì lê dễ rơi vào tình trạng chủ quan, lơ là, kém tập trung vì “đã được học hết rồi, cần gì phải chú ý nghe giảng”. Dần dần, kết quả học tập đi xuống, chán học ở những giai đoạn học tập tiếp theo. 

Do đó, với những phụ huynh lo lắng con không theo kịp chương trình, chỉ nên cho con đi học chữ, làm quen với mặt chữ trước khi vào năm học chính thức tầm 2-3 tháng, để bé làm quen với những nét chữ đầu tiên, làm quen với cách cầm bút và tạo thói quen làm bài trước khi vào lớp 1, đồng thời, sẽ thuận tiện cho giáo viên hướng dẫn các em ghép vần… Ngoài ra, cha mẹ cũng nên trang bị trước một số kiến thức khác cho con. Ở đây, kiến thức không bắt buộc là học chữ, tính toán mà còn là các kỹ năng như giao tiếp, kỹ năng tư duy, phản xạ và tính tự giác hoàn thành bài tập… Phụ huynh không nên cho con học quá nhiều kiến thức của lớp 1 khi vẫn còn đang học mẫu giáo bởi làm như thế, sẽ tạo áp lực học tập cho con một cách thái quá, thậm chí là “bội thực kỹ năng”.

Đối với trẻ “nói không với học chữ trước kiến thức lớp 1”, các bé sẽ khó thích nghi môi trường giáo dục mới trong thời gian đầu, có thể chậm hơn so với các bạn. Vì vậy, cha mẹ cần kiên nhẫn để hướng dẫn con mình, luôn động viên, khen ngợi để tiếp thêm động lực cho con, là người bạn đồng hành của con trong suốt quá trình làm quen với môi trường học mới để con tự tin và giúp con hứng thú mỗi khi đến lớp đến trường.

Hãy để trường học và thầy cô được làm đúng vai trò của mình:

Trường học và thầy cô có nhiệm vụ sẽ truyền đạt kiến thức, dạy dỗ và đồng hành cùng gia đình trong hành trình học tập của các con. Việc cha mẹ trang bị cho các con kiến thức lớp 1 ngay trong giai đoạn chuyển cấp chính là “đang làm hộ” phần việc của những thầy cô. Có nhiều con đã biết cách viết, ghép vần trước nhưng lại sai ngay từ cách cầm bút, khiến giáo viên vất vả uốn nắn lại từ đầu. Thầy cô sẽ là người đánh giá gần như chính xác nhất về năng lực giữa các bạn học sinh trong lớp. Vì vậy, các thầy cô bằng chuyên môn của mình sẽ biết tạo hứng thú trong học tập thông qua hình ảnh, slide, tranh vẽ…để các các con dễ nhớ mặt chữ và tập trung nghe giảng. Điều này sẽ giúp phụ huynh bớt lo lắng con không theo kịp bạn bè. 

Năng lực của mỗi trẻ khác nhau. Vì vậy, cha mẹ cần trang bị kiến thức cho con một cách hợp lý, vừa sức, không nên “ép chín”, kỳ vọng, áp đặt quá nhiều ở con. Hãy là người bạn đồng hành đáng tin cậy, là người bạn lắng nghe những chia sẻ của con để con phát triển tốt nhất trên hành trình hoàn thiện bản thân.